Xét nghiệm sàng lọc ung thư

Xét nghiệm sàng lọc ung thư

2020-08-01 08:31:55 1037
1. Sàng lọc ung thư vú
- Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu ở nữ giới.
- Phụ nữ trên 40 tuổi có sức khỏe tốt nên đi chụp X-quang tuyến vú (mammography) mỗi năm một lần.
- Phụ nữ từ 20 – 40 tuổi nên đi khám vú định kỳ 3 năm một lần tại cơ sở y tế chuyên khoa. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám vú định kỳ mỗi năm một lần tại cơ sở y tế chuyên khoa.
- Phụ nữ nên biết như nào là vú bình thường và cần đến khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa khi có biến đổi bất thường tại vú. Bên cạnh đó phụ nữ có thể tự khám vú (breast self-examination) từ sau 20 tuổi.
- Một số phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao hoặc tiền sử gia đình ung thư vú nên được sàng lọc sớm hơn.

2. Sàng lọc ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 3 ở cả hai giới. Tất cả mọi người trên 50 tuổi nên được sàng lọc ung thư đại trực tràng bằng một trong các xét nghiệm sau:
- Nội soi đại tràng sigma ống mềm mỗi 5 năm hoặc nội soi đại tràng mỗi 10 năm hoặc chụp đại tràng cản quang kép mỗi 5 năm hoặc chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) mỗi 5 năm.
- Xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (Fecal Occult Blood Test - FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân (Fecal Immunochemical Test) mỗi năm một lần hoặc xét nghiệm DNA trong phân (Stool DNA test).
- Nếu một trong các xét nghiệm trên dương tính thì cần tiến hành nội soi đại tràng.
- Một số người có tiền sử gia đình có nguy cơ cao bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng nên được sàng lọc thường xuyên hơn.
3. Sàng lọc ung thư cổ tử cung
- Ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng hàng thứ hai sau ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam.
- Sàng lọc nên được bắt đầu ở phụ nữ ≥ 21 tuổi, không nên tiến hành ở phụ nữ < 21 tuổi.
- Phụ nữ từ 21 - 29 tuổi nên được tiến hành PAP test mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không nên được tiến hành ở các phụ nữ ở nhóm tuổi này trừ khi có kết quả PAP test bất thường.
- Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi nên được kiểm tra PAP test và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm hoặc làm PAP test mỗi 3 năm.
- Phụ nữ > 65 tuổi có kết quả kiểm tra định kỳ bình thường không nên tiếp tục sàng lọc ung thư cổ tử cung. Khi đã kết thúc việc sàng lọc thì không nên bắt đầu lại. Phụ nữ có tiền sử tiền ung thư cổ tử cung (cervical pre-cancer) nên được tiếp tục sàng lọc ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán, thậm chí sàng lọc cả khi đã > 65 tuổi.
- Không nên tiến hành sàng lọc ở các phụ nữ sau khi đã cắt toàn bộ tử cung do nguyên nhân không liên quan đến ung thư cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư.
- Phụ nữ đã được tiêm phòng vắc-xin HPV vẫn nên được sàng lọc theo khuyến cáo ở độ tuổi của mình.

Bình luận:

0886588393